Thiết kế và chế tạo Bismarck (thiết giáp hạm Đức)

Bismarck được đặt hàng dưới cái tên tạm thời Ersatz Hannover,[Note 1] một sự thay thế cho chiếc thiết giáp hạm tiền-dreadnought Hannover, theo hợp đồng "F".[1] Hợp đồng chế tạo được trao cho xưởng đóng tàu Blohm & VossHamburg, nơi lườn tàu được đặt vào ngày 1 tháng 7 năm 1936.[3] Con tàu được hạ thủy vào ngày 14 tháng 2 năm 1939, trong một buổi lễ mà người đỡ đầu cho con tàu là cháu của Thủ tướng Otto von Bismarck, người mà tên được đặt cho chiếc tàu chiến mới. Công việc hoàn tất nó được tiếp tục, vào lúc mà mũi tàu đứng nguyên thủy được thay thế bằng kiểu "mũi Đại Tây Dương" dạng nghiêng tương tự như từng được trang bị cho lớp thiết giáp hạm Scharnhorst.[4] Bismarck được đưa ra hoạt động cùng hạm đội vào ngày 24 tháng 8 năm 1940 để chạy thử máy vốn được tiến hành tại khu vực biển Baltic.[5] Đại tá Hải quân (Kapitän zur See) Ernst Lindemann nắm quyền chỉ huy con tàu vào lúc mà nó được đưa vào hoạt động.[6]

Hình chiếu 3 chiều của Bismarck, như vào lúc nó tham gia Chiến dịch Rheinübung

Bismarck có trọng lượng choán nước tiêu chuẩn 41.700 t (41.000 tấn Anh) vào lúc chế tạo, và lên đến 50.300 t (49.500 tấn Anh) khi chất đầy tải, có chiều dài chung 251 m (823 ft 6 in), mạn thuyền rộng 36 m (118 ft 1 in) và tầm nước tối đa 9,9 m (32 ft 6 in).[1] Nó là chiếc thiết giáp hạm lớn nhất của Đức,[7] và có tải trọng lớn hơn mọi tàu chiến châu Âu ngoại trừ HMS Vanguard.[8] Bismarck được vận hành bởi ba turbine hơi nước Blohm & Voss và 12 nồi hơi ống nước siêu nhiệt Wagner đốt dầu, tạo ra một công suất tổng cộng 150.170 mã lực càng (111.980 kW)[Chuyển đổi: Tùy chọn không hợp lệ], cho phép nó có tốc độ tối đa 30,01 hải lý trên giờ (55,58 km/h; 34,53 mph) khi chạy thử máy. Nó có tầm xa hoạt động 8.870 hải lý (16.430 km; 10.210 dặm) khi di chuyển ở tốc độ đường trường 19 kn (35 km/h; 22 mph).[1] Bismarck được trang bị ba bộ radar dò tìm FuMO 23 bố trí cạnh các máy đo tầm xa trước và sau và trên cột ăn-ten chính.[9]

Thủy thủ đoàn tiêu chuẩn của nó bao gồm 103 sĩ quan và 1.962 thủy thủ,[5] được chia thành 12 đội với quân số từ 180 đến 220 người mỗi đội. Sáu đội đầu tiên được phân về các dàn vũ khí của con tàu: từ đội 1 đến đội 4 dành cho dàn pháo chính và pháo hạng hai, trong khi đội 5 và đội 6 vận hành hỏa lực phòng không. Đội 7 bao gồm những người chuyên môn trong đó có đầu bếp và thợ mộc; đội 8 gồm những người vận chuyển đạn dược. Các nhân viên vô tuyến, tín hiệu và hoa tiêu được phân về đội 9. Ba đội cuối cùng là những nhân sự thuộc các phòng động cơ. Khi Bismarck rời cảng trong chiến dịch cuối cùng, những nhân sự khác bao gồm ban tham mưu hải đội, thủy thủ để chiếm tàu đối phương và phóng viên chiến trường đã làm tăng tổng số người có mặt trên tàu lên trên 2.200 người.[10] Thủy thủ đoàn có xuất bản tờ báo của riêng họ mang tựa Die Schiffsglocke (Chuông tàu).[11]

Bismarck được trang bị tám khẩu pháo 38 cm (15 in) SK C/34[Note 2][12] bố trí trên bốn tháp pháo nòng đôi: hai tháp pháo bắn thượng tầng phía trước được đặt tên là "Anton" và "Bruno", trong khi hai tháp pháo phía đuôi là "Caesar" và "Dora". Dàn pháo hạng hai bao gồm 12 khẩu pháo SK 15 cm (5,9 in) L/55, 16 khẩu 10,5 cm (4,1 in) L/65 phòng không, 16 khẩu 3,7 cm (1,5 in) L/83 và 12 khẩu 2 cm (0,79 in) phòng không.[5] Đai giáp chính của con tàu dày 320 mm (13 in) và được bao phủ bởi lớp sàn trên và lớp sàn chính bọc thép dày 50 mm (2,0 in) và 100–120 mm (3,9–4,7 in) tương ứng. Các tháp pháo 38 cm (15 in) được bảo vệ bởi vỏ giáp mặt trước dày 360 mm (14,2 in) và các mặt hông dày 220 mm (8,7 in).[1]